HƯỚNG DẪN THỦ TỤC ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
HƯỚNG DẪN
THỦ TỤC ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Hướng dẫn này cung cấp thông tin tổng quan về thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (“Hợp đồng BCC”) của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau, hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước thuộc ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường phải tuân thủ điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam. |
I. Giới thiệu
Hoạt động đầu tư bằng hình thức ký kết Hợp đồng BCC là một hoạt động phổ biến của các nhà đầu tư nhằm hợp tác góp vốn, quản lý kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế. Qua đó, các nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí, thời gian cho việc thành lập và vận hành một pháp nhân mới.
Hiện nay, bên cạnh hình thức thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thì việc ký kết Hợp đồng BCC cũng là một lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường mới nhưng vẫn có thể nhanh chóng tiếp cận được thông tin dưới sự am hiểu về thị trường của những đối tác trong nước.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định về đầu tư khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thông qua bài viết này, CLINIC Legal sẽ hướng dẫn Quý Khách hàng một cách tổng quan về thủ tục đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
II. Luật điều chỉnh
Việc đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật sau:
- Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020 (“Luật Đầu tư”);
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (“Nghị định 31”).
III. Quy định của pháp luật Việt Nam về việc đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
1. Quy định về Hợp đồng BCC
- Hợp đồng BCC là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước, hoặc giữa các nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
- Đối với Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
- Sau khi ký kết Hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng phải thành lập ban điều phối để thực hiện Hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận
2. Nội dung Hợp đồng BCC
Điều 28 Luật Đầu tư quy định Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
3. Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
a) Thành phần hồ sơ:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Tài liệu chứng minh năng lực của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư;
- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
- Hợp đồng BCC;
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
(Điều 36 Nghị định 31, Điều 33 Luật Đầu tư)
b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
- Đối với dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Đối với dự án đầu tư ở ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi thực hiện dự án có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
c) Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý: Các điều kiện cơ quan đăng ký đầu tư xem xét để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
- Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và điều ước quốc tế về đầu tư;
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư;
- Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có);
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
4. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng BCC
Để thực hiện hợp đồng và thuận tiện trong hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng BCC có thể thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam. Theo đó, văn phòng điều hành được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, có con dấu, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.
Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng BCC cần phải được đăng ký thành lập với cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành.
a) Thành phần hồ sơ:
- Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành gồm: tên và địa chỉ văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu có) của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC; tên, địa chỉ văn phòng điều hành; nội dung, thời hạn, phạm vi hoạt động của văn phòng điều hành; họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người đứng đầu văn phòng điều hành;
- Quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC về việc thành lập văn phòng điều hành;
- Bản sao quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng điều hành;
- Bản sao hợp đồng BCC.
(Khoản 4 Điều 49 Luật Đầu tư)
b) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành:
Cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong Hợp đồng BCC.
c) Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
IV. Một số lưu ý và khuyến nghị thực tiễn của CLINIC Legal
Trừ các trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, các tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài (giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc giấy tờ xác nhận việc thành lập, hoạt động của tổ chức kinh tế) để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Do đó, để đảm bảo bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được hợp lệ, nhà đầu tư cần nắm rõ các quy định theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia mà nhà đầu tư mang quốc tịch là thành viên về hợp pháp hóa lãnh sự.
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Đồng thời các bên tham gia hợp đồng cũng có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật nhằm giúp cho quá trình thực hiện hợp đồng của các bên được tiến hành thuận lợi.
Với đội ngũ Luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư nước ngoài, CLINIC Legal tự tin hỗ trợ Quý Khách hàng hiểu rõ và áp dụng đúng các quy định pháp luật để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết và hỗ trợ kịp thời về vấn đề này, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với CLINIC Legal theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH CLINIC LEGAL
Trụ sở : Tầng 1 Tòa nhà Vạn Lợi, 207A Nguyễn Văn Thủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Chi nhánh : 4A/6 Lò Lu, P. Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Hotline :0888.378.111
Email : info@cliniclegal.vn