PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
Trong những năm gần đây, xu hướng toàn cầu hóa đã xóa bỏ rào cản giữa các quốc gia, thúc đẩy trao đổi, kinh doanh thương mại giữa các thương nhân trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, song song với sự phát triển, những tranh chấp thương mại diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi một phương thức giải quyết tranh chấp nhanh hơn và hiệu quả hơn. Chính vì vậy, Trọng tài thương mại ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này của các bên, và có xu hướng phát triển nhanh chóng.
Trong phạm vi bài viết này, CLINIC Legal cung cấp cho Quý khách hàng một cái nhìn tổng quát về chế định Trọng tài thương mại tại Việt Nam.
- Trọng tài thương mại là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại (TTTM) 2010: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.”
Có thể thấy, Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp tự nguyện, phi chính phủ, do các các bên thỏa thuận lựa chọn để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tranh chấp nào cũng được giải quyết bằng Trọng tài thương mại. Điều 2 Luật TTTM 2010 quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài, theo đó, chỉ những tranh chấp sau đây mới được xử lý bằng Trọng tài thương mại:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Ngoài những tranh chấp nêu trên, những tranh chấp dân sự thông thường như đất đai, lao động,… phải được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
- Phân loại Trọng tài thương mại:
Theo cách thức thành lập, Trọng tài thương mại có thể được phân loại thành Trọng tài vụ việc và Trọng tài quy chế.
- Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm Trọng tài theo quy định của Luật TTTM 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài đó (khoản 6 Điều 3 Luật TTTM 2010). Hình thức Trọng tài này được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc cố định và thường có danh sách Trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng.
- Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật TTTM 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận(khoản 7 Điều 3 Luật TTTM 2010). Trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, bộ máy điều hành và quy tắc tố tụng riêng. Vì vậy, các bên phải lựa chọn Trọng tài viên và quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp.
- Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, các bên trong tranh chấp phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trọng tài; và
- Các bên có thỏa thuận Trọng tài. Thỏa thuận Trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp (khoản 1 Điều 5 Luật TTTM 2010).
Về hình thức thỏa thuận Trọng tài (Điều 16 Luật TTTM 2010), thỏa thuận có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận Trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
- Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
- Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
- Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
- Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận Trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; hoặc
- Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
- Ưu, nhược điểm của Trọng tài thương mại:
Hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng áp dụng giải quyết bằng Trọng tài thương mại vì những ưu điểm như sau:
- Thủ tục Trọng tài đơn giản, nhanh chóng, không trải qua nhiều cấp xét xử. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, giúp hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
- Các bên được lựa chọn trung tâm Trọng tài, Trọng tài viên, địa điểm giải quyết mong muốn.
- Quá trình giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được thực hiện không công khai, nhờ đó, các bên trong tranh chấp có thể đảm bảo được uy tín, các bí mật thương mại,…
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cũng có những nhược điểm cần cân nhắc như:
- Chi phí cho giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài khá cao, do tùy thuộc vào giá trị tranh chấp.
- Việc điều tra, xác minh chứng cứ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp mất nhiều thời gian hơn so với Tòa án.
- Phán quyết của Trọng tài là chung thẩm, và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Vì vậy, tranh chấp đã được giải quyết sẽ không được xem xét kháng cáo hoặc kháng nghị bởi bất kỳ một cấp hoặc cơ quan xét xử nào khác (trừ trường hợp hủy phán quyết Trọng tài theo quy định của pháp luật).
Có thể thấy, các doanh nghiệp đang có xu hướng lựa chọn Trọng tài thương mại làm phương thức giải quyết tranh chấp vì những ưu điểm vượt trội so với Tòa án truyền thống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc soạn thảo thỏa thuận Trọng tài, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài vì đây vẫn còn là một chế định mới mẻ tại Việt Nam.
Với đội ngũ luật sư, giảng viên đang là trọng tài viên, và đã từng tham gia giải quyết tranh chấp với tư cách là đại diện pháp lý, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng theo thủ tục tố tụng trọng tài tại các trung tâm trọng tài như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (HKIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), CLINIC Legal tự tin hỗ trợ Quý khách hàng một cách tốt nhất trong việc áp dụng Trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của Quý khách hàng. Để biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với CLINIC Legal theo thông tin sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH CLINIC LEGAL
Trụ sở : Tầng 1 Tòa nhà Vạn Lợi, 207A Nguyễn Văn Thủ, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Chi nhánh : 4A/6 Lò Lu, P. Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Hotline :0888.378.111
Email : info@cliniclegal.vn